Giải pháp phát triển lĩnh vực ITO/BPO của Việt Nam

Để đưa Việt Nam sớm trở thành quốc gia mạnh về CNTT-TT, Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 22/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định ngành gia công phần mềm (ITO) và gia công quy trình kinh doanh (BPO) đóng vai trò quan trọng. Bên cạnh đó, Việt Nam là một quốc gia có dân số trẻ, ham học hỏi, đam mê công nghệ nên thường được chuyên gia đánh giá là quốc gia có nhiều lợi thế để phát triển ngành gia công phần mềm (ITO) và gia công quy trình kinh doanh (BPO). Để thúc đẩy phát triển các lĩnh vực này, một số giải pháp sau nên được xem xét, thực hiện bởi các cơ quan có thẩm quyền.
Phát triển thị trường gia công phần mềm tại nước ngoài

Để mở rộng thị trường gia công phần mềm cho nước ngoài, Chính phủ nên tăng cường vai trò của cơ quan đại diện Việt Nam tại các thị trường trọng điểm như: Bắc Mỹ, Nhật Bản, Châu Âu để xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp gia công phần mềm Việt Nam. Đồng thời, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá về công nghiệp phần mềm Việt Nam trên các phương tiện truyền thông quốc tế, đặc biệt trên các kênh truyền hình có uy tín như CNN, ABC,…

Nhà nước (cụ thể là Bộ Công Thương) cần tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp phần mềm Việt Nam nghiên cứu, tìm kiếm thị trường, tiếp thị và quảng bá các sản phẩm, dịch vụ CNTT của Việt Nam tại các thị trường ngoài nước. Ngoài ra, Hiệp hội VINASA cần phối hợp với các cơ quan Chính phủ tiến hành các cuộc điều tra, khảo sát thu thập thông tin về doanh nghiệp, sản phẩm, thị trường gia công phần mềm và cung cấp công khai lên cổng thông tin về công nghiệp CNTT để các đói tác nước ngoài biết đến và liên hệ hợp tác.

Các cơ quan nhà nước cũng cần tăng cường kiểm định, đánh giá chất lượng gia công phần mềm để hỗ trợ nâng cao quy trình quản lý chất lượng cung câp dịch vụ cho các doanh nghiệp Việt Nam. Các cơ quan, doanh nghiệp gia công phần mềm Việt nam chủ động giới thiệu, quảng bá các sản phẩm của các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam nhằm tạo ra đầu mối trợ giúp khách hàng trong việc đánh giá, lựa chọn sản phẩm phù hợp với yêu cầu. Nhà nước nên tăng cường các hoạt động thi đua khen thưởng: tổ chức xét thưởng, trao giải cho các đơn vị, tổ chức có các hoạt động điển hình trong việc gia công xuất khẩu phần mềm tại thị trường quốc tế.

Tăng cường thu hút cộng đồng Việt Kiều đóng góp phát triển ngành gia công phần mềm Việt Nam

Một trong các giải pháp quan trọng thúc đẩy ngành gia công phần mềm là cần huy động lực lượng Việt Kiều tại Mỹ tham gia đầu tư mở các doanh nghiệp gia công phần mềm tại Việt Nam. Với hơn 2 triệu Kiều bào Việt Nam hiện đang sinh sống và làm việc tại Mỹ thì đây là lực lượng quan trọng, làm cầu nối để phát triển công nghiệp phần mềm Việt Nam. Từ kinh nghiệm của Ixrael thì cộng đồng người Do Thái tại Mỹ là một trong các yếu tố chủ đạo cho việc phát triển các dự án phần mềm và CNTT tại Ixrael. Tuy nhiên, Việt Nam không nên đi theo hướng của Ixrael (tập trung vào các dự án R&D và phát triển phần mềm đóng gói cho các công ty Mỹ) mà nên tập trung vào làm gia công xuất khẩu phần mềm cho thị trường Mỹ.

Điều này là cần thiết do sự khác biệt về trình độ của lao động Việt Nam và Ixrael. Đặc điểm của gia công phần mềm là dựa vào các kỹ năng lập trình theo các tài liệu yêu cầu về Input/Output cho các module phần mềm mà phía nước ngoài cung cấp. Điều đó có nghĩa là phía Việt Nam sẽ không phải tập trung vào vấn đề phân tích thiết kế hệ thống, quản trị yêu cầu sản phẩm, lấy yêu cầu trực tiếp từ khác hàng, đây là các hoạt động mà doanh nghiệp phần mềm Việt nam thường khá yếu. Đồng thời, tập trung vào gia công sẽ được đảm bảo về thị trường và không cần đầu tư nhiều chi phí marketing, bán hàng trực tiếp trên thị trường. Tuy vậy, muốn tập trung vào gia công phần mềm thì vấn đề thông tin, nắm bắt nhu cầu gia công tại thị trường Mỹ đóng vai trò quan trọng. Do vậy, cần có chính sách thu hút Kiều Bào tại Mỹ tham gia hỗ trợ và đẩy mạnh gia công phần mềm cho Việt Nam.

Triển khai xây dựng Chiến lược phát triển ngành gia công quy trình nghiệp vụ kinh doanh (BPO) cho Việt Nam

Hiện nay, gia công quy trình chưa được quan tâm đúng mức trong các chính sách thúc đẩy phát triển CNTT Việt Nam. Trong khi đó, do đặc thù là một ngành sử dụng nhiều lao động (không cần kỹ năng chuyên môn cao), có phạm vi rộng (từ y tế, chăm sóc khách hàng, trả lời cuộc gọi – call center,…) nên ngành gia công quy trình nghiệp vụ có nhiều đặc thù khác với công nghiệp phần mềm, nơi đòi hỏi kỹ năng lao động cao hơn. Vì vậy, việc xây dựng một chiến lược (hay Chương trình) riêng ở tầm quốc gia là cần thiết, góp phần định hướng các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, đầu tư vào đất đai, địa điểm cho doanh nghiệp và đào tạo nguồn nhân lực với số lượng lớn đáp ứng yêu cầu của ngành gia công quy trình nghiệp vụ tại Việt Nam.

Thành lập Hiệp hội gia công quy trình kinh doanh Việt Nam

Từ kinh nghiệm của Philippines cho thấy, việc có một Hiệp hội chuyên ngành về gia công quy trình kinh doanh (BPO) cho Việt Nam đóng vai trò hỗ trợ tốt, thúc đẩy sự phát triển của ngành gia công quy trình tại Việt Nam. Hiệp hội này đóng vai trò không chỉ đại diện cho các doanh nghiệp BPO Việt Nam mà còn là đầu mối làm việc với các cơ quan của Chính phủ và các tổ chức quốc tế. Hiệp hội sẽ đóng vai trò thúc đẩy ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát dich vu BPO tại Việt Nam.

Mặc dù tại Việt Nam hiện nay, số lượng doanh nghiệp BPO chưa nhiều, nhưng cũng đã có một số doanh nghiệp khá chuyên sâu về BPO như: Công ty Hệ thống thông tin FPT (FPT-IS); Tập đoàn Công nghệ DTT và một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khác như DIGI-TEXX, GHP Far East, Gameloft,… Ngoài ra, các công ty viễn thông có các Call Center cũng có thể trở thành thành viên tích cực của Hiệp hội này.

Tổ chức đào tạo nhân lực bậc thấp cho các dịch vụ BPO giản đơn

Phát triển đội ngũ nhân lực cho ngành gia công quy trình nghiệp vụ khác với ngành phần mềm ở chỗ không đòi hỏi các kỹ năng chuyên môn cao hoặc trình độ ưu việt. Tuy nhiên, nhân lực trong ngành gia công quy trình nghiệp vụ lại yêu cầu phạm vi rất rộng, đi theo hầu hết các lĩnh vực ngành nghề và hoạt động của đời sống kinh tế xã hội. Vì vậy, cần thiết tổ chức các trường lớp đào tạo theo bề rộng (mà không theo chiều sâu) để có một số lượng lớn lao động. Đặc điểm của nhu cầu nhân lực của ngành gia công quy trình nghiệp vụ là giản đơn, có thể chỉ là nhập liệu, quét ảnh,… vì vậy các lao động với trình độ phổ thông chỉ sau vài khóa bồi dưỡng kỹ năng là có thể tham gia vào các hoạt động sản xuất trong ngành gia công quy trình nghiệp vụ.

Tuy nhiên, để đào tạo theo chiều rộng thì vai trò của hệ thống giáo dục dạy nghề ở cấp trung học chuyên nghiệp đóng vai trò quan trọng. Cần đưa các môn học về BPO, huấn luyện kỹ năng gia công quy trình (như nhập liệu, xử lý dữ liệu thô, cung cấp dịch vụ cuộc gọi,…) vào hệ thống các trường đào tạo trung học chuyên nghiệp này. Muốn làm được việc này, nên đề nghị Bộ Lao động, thương binh và xã hội tham gia sâu vào lĩnh vực đào tạo các lao động cho ngành BPO Việt Nam.

Phát triển một số doanh nghiệp chuyên sâu về BPO

Hiện nay, một số doanh nghiệp gia công quy trình có quy mô công nghiệp thường là các doanh nghiệp đa quốc gia tại Việt Nam như: DIGI-TEXX, GHP Far East…. Trong khi đó, doanh nghiệp của Việt Nam có quy mô công nghiệp hầu như rất it. Hiếm hoi chỉ có Công ty hệ thống thông tin của FPT đã tạo dựng được uy tín của mình trên thương trường. Việt nam đang ở thời kỳ dân số vàng, có lực lượng lao động dồi dào và trẻ tuổi với trình độ chuyên môn chưa cao. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội để tham gia thị trường BPO toàn cầu. Bản chất của dịch vụ BPO là dùng công nghệ cao kết hợp với nhân lực trình độ thấp để cung cấp những nghiệp vụ đơn giản. Vì vậy, nhà nước nên tập trung hỗ trợ một số doanh nghiệp Việt nam trở nên chuyên nghiệp trong cung cấp dịch vụ gia công quy trình nghiệp vụ tại thị trường Việt Nam cũng như trên thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, cần tận dụng lợi thế của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt về trình độ quản lý lao động để hình thành các doanh nghiệp chuyên về BPO của Việt Nam. Thu hút các doanh nghiệp BPO nước ngoài sẽ góp phần tạo sự lan tỏa về trình độ chuyên môn, nâng cao tính chuyên nghiệp cho lao động BPO Việt Nam và giúp giới quản lý doanh nghiệp Việt Nam học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm quản lý số lượng lớn lao động giản đơn từ các doanh nghiệp nước ngoài.

Nhà nước nên có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp viễn thông chủ đạo của Việt Nam tham gia cung cấp các dịch vụ BPO, đặc biệt là dịch vụ cung cấp cuộc gọi (Call Center). Bởi vì, các doanh nghiệp viễn thông có tiềm lực về tài chính và con người để tham gia vào các lĩnh vực mới. Sau đó, nhà nước có thể có chính sách tách các doanh nghiệp BPO này trở thành các công ty độc lập, chuyên nghiệp cung cấp dich vu BPO để xây dựng một số doanh nghiệp mạnh về BPO cho ngành gia công quy trình kinh doanh mới mẻ này của Việt Nam.

Lưu Quan

Nhận xét